Bức tranh thương mại điện tử năm 2025: Shopee và TikTok Shop tiếp tục thống lĩnh thị trường?
Nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố báo cáo toàn cảnh về thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam trong năm 2024 và những dự đoán cho năm 2025, mang đến cái nhìn chi tiết về tình hình tăng trưởng và xu hướng tiêu dùng. Cùng Vải Hoàng Kim tìm hiểu nhé!
Theo "Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 & Dự báo 2025", tổng doanh số của năm sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo, trong năm 2024 đã đạt 318,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37,36% so với năm 2023. Đặc biệt, doanh số bán hàng tăng vọt vào nửa cuối năm, với quý IV đạt 91,15 nghìn tỷ đồng.
Những con số ấn tượng này chủ yếu nhờ vào các sự kiện khuyến mãi sôi động và mùa mua sắm cuối năm, khi người tiêu dùng tranh thủ săn đón các ưu đãi hấp dẫn. Đây cũng chính là động lực chính giúp thúc đẩy sức mua trên các sàn thương mại điện tử, góp phần duy trì đà tăng trưởng tích cực cho toàn thị trường.
Shopee tiếp tục dẫn đầu doanh số, TikTok Shop nổi lên như một đối thủ đáng gờm, Temu lặng lẽ rút khỏi thị trường Việt Nam
Shopee tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi duy trì thị phần ổn định ở mức khoảng 64%, tương đương với năm 2023. Trong khi đó, TikTok Shop nổi lên như một "ngôi sao mới", mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ với thị phần đạt 29%, đồng thời chiếm lĩnh phần lớn thị phần mà Lazada đang dần đánh mất. Đáng chú ý, chỉ trong vòng một năm, TikTok Shop đã tăng trưởng từ 18% lên 29%, "bỏ túi" thêm hơn 10% thị phần và tạo ra sức ép cạnh tranh đáng kể đối với Shopee.
Xét về tốc độ tăng trưởng, TikTok Shop cũng thể hiện phong độ ấn tượng khi dẫn đầu với mức tăng doanh số lên tới 121%. Khác biệt với các nền tảng truyền thống, TikTok Shop kết hợp khéo léo giữa yếu tố mạng xã hội và mua sắm trực tuyến, thu hút hàng triệu người dùng thông qua trải nghiệm mua sắm trực tiếp qua livestream. Cách tiếp cận độc đáo này không chỉ tạo ra sự hứng thú trong quá trình mua sắm mà còn thúc đẩy hành vi mua hàng một cách tự nhiên và nhanh chóng.
Trong khi đó, Shopee vẫn giữ vững đà phát triển ổn định với mức tăng trưởng 34%, duy trì vị trí số một trong lòng người tiêu dùng.
Trái ngược với sự bứt phá của Shopee và TikTok Shop, các nền tảng khác như Lazada, Tiki và Sendo lại gặp nhiều khó khăn. Cả 3 sàn này đều ghi nhận mức tăng trưởng âm, dao động từ -50% đến -54%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường mà còn cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng, khi người mua sắm ngày càng ưu tiên các nền tảng mang đến trải nghiệm mới mẻ và tiện lợi hơn.
Cũng theo báo cáo từ Metric, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đang dần rút lui khỏi thị trường Việt Nam.
Ra mắt vào cuối tháng 9/2024, Temu (Trung Quốc) nhanh chóng gây chú ý và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt nhờ vào các ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nền tảng này bị phát hiệm chưa hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lý.
Hiện tại, ứng dụng Temu đã thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau quá trình làm việc với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, thời điểm Temu có thể quay trở lại thị trường vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có thông tin cụ thể.
Gia tăng mua sắm hàng ngoại
Mặc dù doanh thu tăng trưởng khả quan, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm tới 20,25%. Cụ thể, Shopee là nền tảng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có hơn 86.300 nhà bán hàng không phát sinh đơn hàng trong năm 2024. TikTok Shop cũng không nằm ngoài xu hướng này, với hơn 55.000 nhà bán hàng buộc phải rời khỏi cuộc chơi. Tính chung trên toàn thị trường, tổng số lượng shop có đơn hàng đã giảm hơn 165.000 so với năm 2023, phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt và những thách thức mà các nhà bán lẻ đang phải đối mặt.
Thay vào đó, những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn đang chiếm lĩnh thị trường.
Đặc biệt, Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop nổi bật với mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ, lần lượt đạt 69,79% và 181,31%. Xu hướng này phản ánh rõ nét sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, khi họ ngày càng ưu tiên lựa chọn các thương hiệu uy tín và các cửa hàng có độ tin cậy cao.
Song song với sự tăng trưởng doanh thu, năm 2024 cũng ghi nhận hơn 324,1 triệu sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam, mang lại hơn 14,2 nghìn tỷ doanh thu trên sàn Shopee, tăng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sự hiện diện của 31,5 nghìn nhà bán hàng nước ngoài cũng tạo áp lực cạnh tranh đáng kể đối với các shop nội địa, buộc các nhà bán lẻ trong nước phải nhanh chóng thích nghi và nâng cao năng lực để duy trì thị phần.
Xét về các ngành hàng, Làm đẹp, Nhà cửa - Đời sống và Thời trang nữ vẫn là những nhóm sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất cho các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, Bách hóa – Thực phẩm mới thực sự là điểm sáng với mức tăng trưởng lên đến 76,3%, cao nhất trong tất cả các ngành hàng.
Xu hướng này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, khi họ ngày càng ưu tiên đặt hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại chợ truyền thống hoặc siêu thị. Những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng này bao gồm sự tiện lợi và tốc độ giao hàng nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian đáng kể trong cuộc sống bận rộn.
Các mô hình thương mại điện tử nổi bật trong năm 2025
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, Thương mại điện tử xã hội (Social Commerce) cũng ghi dấu ấn với nhiều tiềm năng phát triển. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok đang tích cực tham gia vào cuộc đua này, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm trực tiếp thông qua quảng cáo và các gian hàng ảo. Mô hình này không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn giúp cá nhân hóa trải nghiệm, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Dự báo trong thời gian tới, Social Commerce sẽ tiếp tục bùng nổ, trở thành một kênh bán hàng quan trọng cho các doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, Thương mại điện tử xuyên biên giới (Cross-border E-commerce) cũng ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua các nền tảng quốc tế như Amazon và Alibaba, doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, mở rộng thị phần và gia tăng doanh thu xuất khẩu. Hơn thế nữa, đây còn là kênh hiệu quả để quảng bá thương hiệu Việt, góp phần nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.
Sự phát triển của thương mại điện tử cũng kéo theo những bước tiến lớn trong hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam. Các ví điện tử như MoMo, ZaloPay, ViettelPay cùng với các ứng dụng ngân hàng số ngày càng trở nên phổ biến, mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho người dùng. Theo các báo cáo, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đã tăng đáng kể, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhất là tại các vùng nông thôn. Thực tế này cho thấy một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn e ngại và chưa thực sự tin tưởng vào các phương thức thanh toán điện tử. Để giải quyết thách thức này, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, cung cấp thêm thông tin về tính an toàn của các phương thức thanh toán số và áp dụng các biện pháp bảo mật chặt chẽ hơn.
-----
Tại cửa hàng vải Hoàng Kim sẵn sàng nhiều loại vải đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và khách hàng
Liên hệ Cửa hàng vải Hoàng Kim để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung cấp vải giá sỉ!
VẢI HOÀNG KIM
58 Phan Sào Nam, p.11, q.Tân Bình, Tp.HCM
0933 000 260 (Gọi trực tiếp hoặc Zalo)
www.vaihoangkim.com